Hiện nay, tại thị trường Việt Nam xuất hiện nhiều loại trà mới và chúng thuộc các phân loại khác nhau. Do đó, nhiều người ngộ nhận khi đánh giá hay so sánh về các loại trà vì không hiểu rõ về chúng. Trong bài viết này, BTCOM sẽ chỉ bạn cách phân biệt các loại trà, để bạn sẵn sàng khám phá trọn vẹn các hương vị đa dạng của thế giới trà.
Tất cả các loại trà (như trà đen, trà trắng, trà xanh,...) đều được chế biến từ cùng một loài thực vật thường xanh có tên gọi là cây trà (hay cây chè). Tên khoa học là Camellia sinensis. Tuy cùng một loại cây nhưng các loại trà sau khi chế biến lại cho ra thành phẩm khác nhau bởi hình dáng và thành phần hoá học của lá.
Chế biến trà theo quy trình gồm 5 giai đoạn:
- Hái: hái búp, lá trà, xử lý cơ bản và đưa về khu vực chế biến.
- Làm héo: làm héo (héo mát, héo nắng) và làm mềm lá trà.
- Vò: làm dập vỡ lá trà bằng cách vò, quay lá, nghiền lá và tạo hình cho lá khi thành phẩm
- Oxy hoá: thay đổi thành phần hóa học của lá trà. Khi các tế bào lá trà bị phá vỡ, các enzyme trong lá trà tương tác với Oxy trong không khí.
- Sấy: định hình phẩm chất trà và làm khô lá trà.
Không phải loại trà nào cũng trải qua cả 5 giai đoạn này. Một số loại trà sẽ bỏ bớt một hay một vài giai đoạn hoặc lặp đi lặp lại một giai đoạn nào đó nhiều lần.
Thước đo để phân loại các loại trà được quyết định bởi giai đoạn 4 - quá trình Oxy hóa. Đây là quá trình làm thay đổi thành phần hoá học của lá trà, tạo nên sự đa dạng về hương vị cho trà thành phẩm. Trà được phân ra làm 3 loại trà chính dựa vào cấp độ Oxy hóa: trà ô long (oxy hoá một phần), trà đen (oxy hoá hoàn toàn) và trà xanh (không oxy hoá).
Các loại trà ở Việt Nam hầu hết đều thuộc nhóm trà xanh. Trà xanh là loại trà được sử dụng phổ biến nhất tại đây. Có thể kể đến một vài loại trà đặc trưng như trà xanh Thái Nguyên, trà cổ thụ, trà tuyết Hà Giang,…
Hình dạng của trà xanh rất đa dạng: lá dẹp, lá dài nhọn, vo xoắn, vo viên như hình thuốc súng…; lá trà thường có màu xanh nhạt hơi vàng, màu xanh xám, xanh đen. Nhưng khi pha lá trà với nước, màu nước trà thường sẽ ra màu xanh lục tươi sáng đẹp mắt, cũng có nước trà màu xanh hoặc xanh vàng, vị tươi hơi chát.
Trong quá trình chế biến, trà xanh chỉ được làm qua 4 giai đoạn: hái búp, làm héo, vò và cuối cùng là sấy. Người ta tiến hành làm rất nhanh công đoạn làm héo ngay từ khi búp trà được hái xuống. Sau đó, lập tức xào hoặc hấp để ngăn chặn quá trình oxy hoá. Khi lá trà gặp nhiệt độ cao, các enzyme trong lá sẽ ngưng hoạt động.
Trà Ô Long là một nhóm trà gồm những loại trà được Oxy hoá một phần từ 8% đến 80%. Trà Ô Long có quá trình chế biến phức tạp và tốn thời gian nhất trong các loại trà. Trà trải qua cả 5 giai đoạn. Trong giai đoạn vò và oxy hóa, người chế biến sẽ lặp lại hai giai đoạn này nhiều lần. Quá trình này giúp hương thơm và vị của trà trở nên phong phú, tạo được hương vị mong muốn.
Trà Ô Long trở thành loại trà được nhiều người yêu thích cũng bởi hương vị hết sức phong phú. Trà có hương vị phức tạp hơn trà xanh. Vị chát rất mềm và mượt kết hợp với hương vị của hoa hoặc trái cây mang lại vị ngọt ngào khi thưởng thức. Nó có thể có hương giống hạt dẻ, gỗ, hương mật ong, hương hoa hoặc trái cây, …rất hấp dẫn và cuốn hút.
Trà đen cũng trải qua cả 5 giai đoạn cơ bản của quá trình làm trà, nhưng lá trà được oxy hoá hoàn toàn. Các giai đoạn trong quá trình chế biến tiếp nối nhau và không lặp lại một bước nào. Chúng được chế biến trong vòng 1 ngày và có thành phần màu đen mùi thơm nồng. Nước trà khi pha sẽ thường có màu nâu sáng tới đỏ đậm. Trà đen có hương vị mạnh nhất trong các loại trà, một số loại rất chát. Trà đen có thể giữ hương thơm của nó trong nhiều năm trong khi trà xanh chỉ giữ được hương trong vòng 1 năm.
Trà đen ở Việt Nam không được nhiều người biết đến. Không giống trà xanh hay trà Ô Long, trà đen gần như không có loại sợi rời cao cấp ở Việt Nam. Trà đen rất phổ biến ở Ấn Độ, châu Âu, thường pha cùng với sữa hoặc dùng ở dạng túi lọc.
Hy vọng qua những thông tin mà BTCOM chia sẻ đến bạn đọc qua bài viết này sẽ giúp các bạn có thể phân biệt được loại trà thường gặp một cách cơ bản và dễ dàng nhất.